Lý do Nhật Bản chuyển từ Tết âm lịch sang Tết dương lịch

Lý do Nhật Bản chuyển từ Tết âm lịch sang Tết dương lịch

1.Tổng quan về ngày Tết ở Nhật bản.

Tháng Giêng tại Nhật Bản được gọi là “Oshougatsu” có nghĩa là “Chính Nguyệt”. Tết cổ truyền trong tiếng Nhật gọi là “Oshougatsu” bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Ngày xưa khi Nhật Bản còn đón tết âm lịch như các nước khu vực châu á khác, Oshougatsu được dùng để gọi cho lễ chào đón năm mới. Tuy nhiên sau này Nhật bản chuyển sang đón tết dương tức là ngày đầu tiên của tháng riêng dương lịch – một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, một dịp để mọi người trong gia đình xa gần tụ họp, cầu chúc cùng nhau đón năm mới.

Tết Oshougatsu diễn ra từ ngày 1 đến 3-1. Người dân Nhật Bản chuẩn bị cho lễ hội từ ngày 8/12 đến 12/12. Vào những ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị đồ dùng và trang trí nhà cửa đón năm mới. Ngày 1/1 là một ngày quan trọng, đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới. Người ta quan niệm rằng, xem mặt trời mọc vào ngày này là việc làm tốt nhất để chào đón một năm mới thịnh vượng, may mắn và tốt đẹp. Tết Nhật Bản có những điểm tương đồng với các nước phương Đông, tuy nhiên cũng có nét đặc sắc về phong tục tập quán khác biệt với nhiều nghi thức đặc biệt và mang phong cách riêng của một đất nước giàu truyền thống.

Vào dịp này, các gia đình Nhật Bản sẽ đặt trước cổng nhà hoặc công ty cây nêu hoặc cây Kadomatsu gồm những cành thông xếp vào những ống tre tươi vát chéo. Người Nhật quan niệm tre là chiếc thang để đón thần năm mới, còn thông mang lại sự may mắn và trường thọ. Ngoài ra những vật dụng khác như dây thừng bện bằng cỏ khô, các dải giấy trắng cũng được dùng để trang trí, tượng trưng cho những mong ước của người Nhật trong năm mới. Ngoài ra, người Nhật còn treo bùa Shimekazari trong ngày Oshougatsu với ý nghĩa không cho ma quỷ vào nhà.

2.Vì sao chính phủ Nhật lại quyết định đón Tết theo lịch dương?

2.1 Do cải cách của Thiên Hoàng Minh Trị năm 1873.

Giữa những năm 1870, cuộc cải cách duy tân của Thiên hoàng Minh Trị đã làm thay đổi cục diện kinh tế – xã hội ở Nhật. Phong trào Âu hóa nổ ra tác động nhiều đến văn hóa và đời sống của người dân.

Năm 1873, Thiên hoàng Minh Trị đã quyết định bỏ lịch Âm và dùng lịch Dương để phù hợp hơn với các nước phương Tây. Ở thời điểm đó, giới lãnh đạo Nhật cho rằng các phong tục – tập quán của người Châu Á, đặc biệt là những ảnh hưởng của Trung Quốc đều kém cỏi hơi so với các nước Châu Âu và Mỹ.

Sau quyết định đó, ngày 03/12/1872 (Âm lịch) đã bị sửa thành 01/01/1873 (Dương lịch). Từ đó, người dân Nhật Bản cũng đón Tết theo Dương lịch cho đến nay.

Quyết định bãi bỏ Âm lịch của Chính phủ Nhật lúc bấy giờ được cho là quá đột ngột (chưa đầy 1 tháng trước khi đến Tết nguyên đán) khiến người dân không khỏi bất ngờ và bị động.

2.2 Người Nhật Bản muốn thoát khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Vào thế kỷ 19, Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như việc ký với Mỹ các hiệp ước không có lợi, cũng như tình hình lúc đó các nước phương Tây đang tìm cách đô hộ các nước nhỏ. Nhật Bản nhận thấy rằng các nước Châu Âu và Châu Mỹ đã phát triển tiến bộ, vượt xa so với Phương Đông. Ngay cả Trung Quốc từng là quốc gia mạnh nhất Châu Á khi đó cũng phải thua trận trước Anh – Pháp và phải lệ thuộc vào phương Tây.

Từ đó, Nhật Bản bắt đầu có xu hướng thoát khỏi những ảnh hưởng của Trung Quốc và muốn đứng trong hàng ngũ các nước văn minh thế giới với Anh, Pháp, Mỹ. Âm lịch dần không còn được xem trọng như Dương lịch.

Thiên Hoàng Minh Trị cho rằng muốn bắt kịp phương Tây về kinh tế thì trước tiên phải bắt kịp họ về thời gian. Vì vậy, Âm lịch được bãi bỏ và Nhật chuyển sang dùng Dương lịch.

Nhờ có thay đổi này mà Chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm tiền trả lương tháng thứ 13 cho công chức đồng thời còn giảm bớt số ngày nghỉ và tăng sản lượng quốc gia.

Việt Nam có nên làm giống với Nhật Bản không?

Như vậy chúng ta có thể thấy để trở thành một nước công nghiệp phát triển, Nhật Bản đã thay đổi lịch quốc gia theo phương Tây. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống khi tổ chức đón Tết hàng năm. Thậm chí một số địa phương người Nhật vẫn tổ chức các lễ hội đón Tết theo âm lịch. Tết cổ truyền là nét văn hóa, là bản sắc dân tộc không thể nào mất đi. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam vì sự phát triển nền kinh tế có thể học tập người Nhật gộp chung hai cái Tết. Nhưng biết đâu thế hệ con cháu chúng ta sẽ lại đòi hỏi khôi phục ngày Tết Nguyên Đán như hiện nay? Do đó, vấn đề không phải là bỏ hay gộp Tết nguyên đán, mà là cách chúng ta ứng xử với Tết nguyên đán thế nào để Tết nguyên đán là dịp nghỉ ngơi, vui đoàn viên, xum vầy, hướng đến những điều tốt đẹp chứ không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội.