Hành trình của Ddoong: Những bài học và kinh nghiệm - Phần 2

Hành trình của Ddoong: Những bài học và kinh nghiệm - Phần 2
Photo by krakenimages / Unsplash

Tiếp tục câu chuyện của phần 1,  giờ làm sao để giao tiếp cho phù hợp.

Hiểu đối tượng giao tiếp

 (Phạm vi ở đây mình nói trong môi trường công sở)
 Đầu tiên bạn cần "hiểu" đối tượng giao tiếp của mình, nói "hiểu rõ" thì hơi bị "lạc quan" quá, vì khó mà hiểu rõ được đối tượng nào nếu như mình không nhiều thời gian tiếp xúc. Nhỉ?
 Ví dụ, đối tượng giao tiếp là sếp của bạn đi. Bạn cảm thấy ổng hiền, thoáng, bạn thì cũng xởi lởi không nghĩ nhiều, bạn giao tiếp với sếp của bạn trong mọi hoàn cảnh cũng "thoáng" luôn. Toang.
Bạn chắc ổng hiền hay thoáng thật không?  Để lên vị trí như vậy, sếp bạn chẳng lẽ lại chưa gặp đối tượng giao tiếp nào giống bạn. Khi giao tiếp với ai đó, mà họ khiến cho bạn cảm thấy thoải mái, thì hãy hiểu họ là "người biết cách giao tiếp" chứ không phải họ là "người giống như bạn tưởng tượng".
 Ví dụ khác, bạn mới bắt gặp một người bạn, nói chuyện vài bữa cũng thấy người này ăn, chơi cũng hao hao mình. Bạn nghĩ là bạn hợp họ. Rồi tới lúc làm việc, độ t nhiên thấy cách làm việc của người bạn đó nghiêm túc lạ thường, chả giống phong cách ăn, chơi giống bạn. Thế là khi làm việc cùng nhau bạn vẫn dùng phong cách giao tiếp như lúc nói chuyện ăn, chơi với người bạn đó. Người bạn đó khó chịu ra mặt.
 Có ví dụ nào ở trên mà bạn đã gặp phải chưa?
 Để hiểu được đối tượng giao tiếp, nếu có thể, bạn nên quan sát đối tượng giao tiếp trong nhiều tình huống khác nhau để hiểu rõ hơn cách họ tương tác với người khác, để ý các biểu hiện ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, và biểu cảm khuôn mặt nữa. Để từ đó, điều chỉnh cách giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và phong cách giao tiếp phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng và nhu cầu của họ.

Hiểu được giao tiếp không phải là "Một kích cỡ phù hợp tất cả"

 Giao tiếp không phải là một quy trình tĩnh lặp lại, mà nó là một nghệ thuật linh hoạt, thích ứng với đa dạng của con người và tình huống.

Ví dụ về việc hiểu lầm do thiếu linh hoạt
Trong một cuộc họp nhóm, một người quyết định sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành khi nói chuyện với tất cả mọi người, bao gồm cả những người mới tham gia đội nhóm.
Điều này có thể là bình thường đối với những người đã làm tương đối thời gian và đủ hiểu biết. Tuy nhiên, lại tạo ra một khoảng cách với những thành viên mới, làm tăng khả năng hiểu lầm và giảm sự tương tác tích cực.
Thay vì sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp, có thể điều chỉnh cách nói chuyện để phù hợp với đối tượng, sử dụng ngôn ngữ đơn giản và dễ  hiểu hơn.

Ví dụ về thiếu tương tác cá nhân trong giao tiếp online
Trong một cuộc họp trực tuyến, bạn có thể chỉ tập trung vào việc trình bày thông tin mà không tạo cơ hội cho thảo luận hoặc câu hỏi từ các thành viên.
Điều này sẽ khiến người nghe có thể cảm thấy bị cô lập và không có cơ hội để chia sẻ ý kiến hoặc đặt câu hỏi, giảm sự tương tác tích cực.
Tăng tính tương tác bằng cách tạo cơ hội cho câu hỏi và thảo luận. Sử dụng các phương tiện tương tác như trò chơi, thăm dò ý kiến, hoặc Q&A.

 Qua các ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng mỗi đối tượng là duy nhất, và cách giao tiếp cần phải linh hoạt. Luôn đánh giá ngữ cảnh trước khi quyết định cách giao tiếp. Điều này giúp bạn lựa chọn phong cách phù hợp với môi trường và tình hình cụ thể. Giao tiếp hiệu quả là một quá trình động, đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh phong cách để đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của đối tượng. Thấu hiểu rằng không có "một kích cỡ phù hợp tất cả" và khám phá sự đa dạng trong giao tiếp có thể tạo ra một môi trường tương tác tích cực và hiệu quả.

(To be continued)