Hành trình của Ddoong: Những bài học và kinh nghiệm - Phần 1

Hành trình của Ddoong: Những bài học và kinh nghiệm - Phần 1
Photo by Yux Xiang / Unsplash


Giới Thiệu

Đông, có hơn 4 năm làm việc ở 1 tập đoàn có tiếng bên Nhật, 6 năm làm việc ở công ty của Nhật có trụ sở ở Việt Nam, và có 1 năm làm việc ở công ty PIRAGO đỉnh nhất Ngụy Như Kon Tum. Đông có hơn 6 năm kinh nghiệm quản lý dự án và kỹ sư cầu nối, có 5 năm kinh nghiệm làm kỹ sư hệ thống.  
Hết phần giới thiệu.

1. Vì sao đi đâu cũng gặp từ "giao tiếp"? "Giao tiếp" là gì? "Giao tiếp" có quan trọng hay không?

Có những người được học về công việc kỹ sư cầu nối ngay từ khi học đại học, hoặc có những người xác định làm công việc kỹ sư cầu nối ngay từ khi đi làm. Nhưng tôi thì không. Hồi sinh viên Đông vốn nghĩ sau khi ra trường, Đông sẽ trở thành một developer làm cho công ty của Sing của Mỹ gì gì đó. Nhưng Đông tính không bằng trời tính. Từ một đứa sinh viên ra trường với vốn ngoại ngữ tiếng anh, Đông xin vào làm ở 1 công ty của Nhật. Và từ đó Đông mới biết đến tiếng Nhật và bắt đầu quan tâm về giao tiếp.
Ngày mới đi làm, Đông cũng là 1 developer vô lo vô nghĩ. Sáng tới bật máy code, chiều code xong tắt máy đi về. Hàng ngày, không biết ông kỹ sư cầu nối xì xà xì xồ gì với khách hàng, nhưng bảo sao thì Đông code vậy.
Hồi đó, đội của Đông có 3 người, leader, BrSE và Đông. Leader và BrSE đều hơn tuổi Đông.
Đông cũng không giỏi giao tiếp với các anh trong đội lắm. Cãi nhau suốt. Cứ trái ý Đông là Đông cãi. Và Đông mà đúng là Đông bật tanh tách. Đông chẳng quan tâm tới cái gọi là giao tiếp đội nhóm hay teamwork gì sất. Mặc dù hồi đại học Đông cũng đỗ mấy cái chứng chỉ kỹ năng mềm về giao tiếp và team work.

Giao tiếp có quan trọng không?
Có chứ. Giao tiếp mà không tốt, quan hệ đồng nghiệp không tốt, công việc khó mà trôi chảy.
Nói tới đây chắc bạn đang nghĩ tới giao tiếp với sếp thì đáng lẽ ra phải để ý một tí, dù gì sếp cũng là người đánh giá lương thưởng các kiểu. Còn với đồng đội ngang hàng thì không cần lắm cũng được.

Không bạn ạ.

Bạn là một người mới ra trường, bạn không giao tiếp tốt với những người có kinh nghiệm, bao giờ mới được họ hướng dẫn, truyền đạt, chỉ bảo cho những kinh nghiệm, bài học quý báu. Hơn cả, bạn mất đi một người thầy.
Bạn không giao tiếp tốt với những người đồng nghiệp, bạn có chắc không có lúc nào bạn cần họ backup. Khi bạn xin nghỉ vì việc bận, vì ốm đau nhờ ai?. Bạn có chắc không cần họ support lúc khó khăn không. Hơn cả, bạn mất đi một người đồng hành.
Bạn không giao tiếp tốt với sếp, ở đây chuyện đánh giá lương thưởng mình chưa bàn tới. Vì có những người công tư phân minh, bạn giỏi, xuất sắc dù không giao tiếp tốt những người sếp đó vẫn đánh giá lương thưởng công bằng cho bạn. Không giao tiếp tốt với sếp, ừ thì đồng ý, sếp mà công tư phân minh thì bạn làm nó khỏe, chứ sếp mà không công tư phân minh bạn biết thế nào rồi đấy.

Bạn là người đã đi làm,  bạn chuyển một môi trường mới, hoặc chuyển một dự án mới, hoặc chuyển một dự án với lĩnh vực mà bạn chưa có kinh nghiệm. Bạn thử không giao tiếp tốt xem, biết ngay kết quả. Làm cũng kha khá thời gian mà vẫn chưa quen việc, suốt ngày thấy stress vì công việc, v.v..

Hay như bạn là người đã làm lâu ở một dự án rồi, có sự xáo trộn về nhân sự. Bạn thấy khó làm việc cùng, động lực làm việc cũng giảm đi. Hoặc nếu làm quản lý hay trưởng nhóm của nhóm đó, bạn có thấy khó quản lý không.

Đa phần những vấn đề nếu trên nếu biết cách giao tiếp tốt thì hầu hết các vấn đề đều được giải quyết.

(To be continued)