Có nên từ bỏ Facebook không?

Có nên từ bỏ Facebook không?

Ở Việt Nam, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất, dần dần trở thành một phần không  thể thiếu trong cuộc sống.  Điều gì làm cho Facebook trở lên hấp dẫn như vậy?

Bạn có người thân nhưng xa cách về địa lý, bạn muốn biết các thông tin về cuộc sống của người đó, hãy tìm đến Facebook. Facebook là cầu nối, giúp kết nối con người với con người.

Bạn không muốn đọc những trang báo khô khan, không muốn tốn nhiều thời gian để đọc báo, chỉ cần lấy điện thoại ra và vào Facebook có thể cập nhập các tin tức nóng hổi, các sự kiện mới nhất từ kinh tế chính trị tài chính thông qua rất nhiều trang tin tức, kể cả các trang thông tin chính thống của chính phủ.

Bạn không muốn có thời gian xem cả một bộ phim hay các show giái trí, chỉ cần lấy điện thoại ra và vào Facebook, bạn có thể dễ dàng tìm được các video ngắn đủ thể loại trích dẫn những đoạn đặc sắc nhất từ một bộ phim đến những video tự quay.

Bạn muốn kinh doanh không cần thuê mặt bằng bạn có thể đăng bán trên trang cá nhân hoặc fanpage của Facebook mà hoàn toàn không phải mất một chi phí nào.

NHƯNG chính trong những cái lợi đó luôn tiềm ẩn các tác hại

Nhiều người cảm thấy rằng họ như sống hai cuộc đời: một cuộc đời thực đôi khi tẻ nhạt và một cuộc đời ảo sinh động trên Facebook.

Trước khi ăn, chụp ảnh check in, giá trị bữa ăn và giá trị lưu kỷ niệm của bức ảnh đôi khi không quan trọng bằng thưởng thức các comment về ảnh bữa ăn đăng trên tường.

Tận hưởng không khí đi du lịch, thưởng thức phong cảnh, món ăn và con người nơi đó đôi khi không quan trọng bằng những cái like của bạn bè dưới mỗi bức ảnh check in được chau chuốt và chỉnh sửa cật lực.

Một nghiên cứu từ ĐH Stony Brook (Mỹ) kết luận: Dùng Facebook quá nhiều khiến các cô gái trẻ bị trầm cảm. Những người chán nản trong cuộc sống hiện tại có xu hướng tìm đến Facebook để khỏa lấp nỗi cô đơn. Tuy nhiên, nó lại khiến chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn khác: Càng sử dụng nhiều, càng nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc của người khác, bạn lại càng cảm thấy mình cô đơn hơn; thậm chí là ghen tị và trầm cảm xuất hiện.

Bước chân vào quán cafe hay bất cứ nơi tụ tập nào chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một nhóm bạn ngồi cafe cùng nhau nhưng ai nấy đều cắm mặt vào chiếc điện thoại của mình. Internet càng phát triển khiến con người “lười” giao tiếp hơn. Có nhiều mối quan hệ thân thiết trên Facebook nhưng khi gặp nhau bên ngoài lại chẳng biết nói chuyện gì.

Thói quen lướt sử dụng Facebook làm cho nhiều người cảm thấy họ đã tốn thời gian vô bổ. Lúc nào trên tay cũng cầm điện thoại, lướt Facebook một cách vô ý thức rồi đọc những trạng thái của người khác, rảnh rỗi không làm gì. Với khoảng thời gian đó có thể tập trung cho các mục tiêu cá nhân trong cuộc đời thực sẽ mang lại nhiều giá trị cho bản thân hơn.

Sử dụng mạng xã hội còn đồng nghĩa với việc các thông tin cá nhân, thói quen, sở thích của chúng ta được thu thập sử dụng làm cơ sở quảng cáo. Nhiều người tiêu dùng khi mua một sản phẩm đôi khi không vì họ cần nó mà vì tần suất nó xuất hiện bơm vào đầu họ suy nghĩ : cần mua nó.

Facebook còn mang đến sự mất tập trung. Với thói quen “lướt” mạng xã hội, dần dần chúng ta mất kiên nhẫn với các bài viết dài. Thay vì kiên nhẫn đọc hết nội dung để phân loại thông tin thì não chúng ta chỉ hấp thụ content và ghi nhận ấy là đúng. Đó cũng là nguồn gốc tạo nên các tin Fakenews.

Có nhiều ý kiến cho rằng Facebook không tự nhiên gây hại mà do cách chúng ta sử dụng sẽ quyết định giá trị của nó mang lại. Nhưng sử dụng đúng cách là như thế nào? Điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

Bản thân mình cũng có giai đoạn dành toàn bộ quỹ thời gian rảnh của mình để lướt và lướt từ facebook đến instagram, tiktok, youtube.... Đến một giai đoạn cảm thấy quá nhàm chán, bội thực với fakenews, bội thực với các clips vô bổ mình quyết định xóa bớt các ứng dụng. Riêng Facebook vì các giá trị mang lại quá lớn mình đã sàng lọc bạn bè, sàng lọc các trang tin tức quan tâm để tránh bị loãng thông tin, lập Facebook phụ theo dõi các page hội nhóm chuyên về kiến thức để update thông tin.

Mình có người bạn từng e ngại việc không dùng Facebook, sợ bị lạc hậu với thế giới, sợ bỏ lỡ sự kiện của bạn bè… nhưng sau một thời gian sống không có Facebook thì  cảm thấy điều đó không quan trọng. Bạn ấy có nhiều thời gian để nghiên cứu, học đầu tư hơn thay vì trước đây chỉ lưu lại trên facebook rồi lãng quên, có nhiều thời gian chơi với con thay vì trước đây mất nhiều thời gian lướt và comment trên mạng xã hội.

Còn bạn, sự lựa chọn của bạn là gì? bạn có dám từ bỏ Facebook hay không?