Đọc sách hiệu quả

Đọc sách hiệu quả

#PiraGo, chúng tôi sử dụng OKR để quản lý mục tiêu của công ty và từng cá nhân trong công ty. Qua công cụ OKR công ty sẽ thúc đẩy được nhân viên hoàn thành các mục tiêu cá nhân một cách tốt hơn, giúp cho nhân viên phát triển, đạt được những mục tiêu nhờ sự kiên trì, bền bỉ kỉ luật

Dạo này càng ngày ở #PiraGo càng có nhiều mục tiêu về đọc sách, tập thể dục thể thao. 2 mục tiêu này khá là giống nhau, ở những điểm sau:

  • Ai cũng biết là nó tốt cả
  • Rất khó để rèn luyện được thói quen
  • Rất dễ bỏ cuộc :D

Mình viết bài viết này là để tổng hợp 1 ít chiêu giúp mọi người có thể đọc sách hiệu quả hơn, biến nó thành 1 thói quen cho bản thân để tích luỹ được nhiều tri thức. Bài viết sẽ gồm có 3 ý chính mà mình khái quát lại thành 3 từ :

1. NỨNG
2. NHUYỄN
3. NHỒI

0-CƠ CHẾ HÌNH THÀNH THÓI QUEN

Đầu tiên phải nói 1 chút về cơ chế hình thành thói quen đã (mình sẽ có bài blog riêng nói về thói quen sau)

Theo tác giả James Clear trong cuốn Atomic Habits (Thói quen tý hon hiệu quả bất ngờ) thì cơ chế hình thành thói quen gồm các yếu tố sau

  1. 1 hành vi của thói quen cần 1 gợi ý (trigger) để kích hoạt hành vi thực hiện (ví dụ bước vào nhà nhìn thấy tủ giày thì sẽ kích hoạt hành vi cởi giày cho vào tủ)
  2. Hành động lặp đi lặp lại: hành vi của thói quen
  3. Phần thưởng vì đã hoàn thành hành động (phần thưởng nên nhỏ thôi và ko kích thích thói quen xấu khác)

Nếu kiên trì duy trì được 66 ngày thì sẽ hình thành được thói quen -> Ham muốn tột bậc đây chính là NỨNG


I-NỨNG

Để rèn luyện được thói quen đọc sách chúng ta phải chủ động tạo ra động lực cho việc đọc sách -> đơn giản là sách gì cũng được, cứ chọn sách nào mà bạn thích đọc, thuộc bất kỳ chủ đề gì cũng được. Thời gian đầu để rèn luyện thói quen đừng quan trọng hoá về mặt nội dung sách quá.

Thói quen đọc sách

Ngoài ra như phân tích về cơ chế hình thành thói quen ở trên, ta cần tạo những gợi ý để kích thích hành vi đọc sách xảy ra, ví dụ:

  • Sách luôn để sẵn bên mình: rảnh là lôi ra đọc
  • Có 1 vài góc đọc sách: ở ban công, ở vườn, ở giá sách hoặc 1 không gian yên tĩnh nào đó -> hãy chọn những nơi mà bạn lượn nhiều
  • Thời điểm: sáng sớm khi tỉnh dậy, trước khi đi ngủ là thời điểm rất dễ kích thích hành vi đọc sách

Sau khi hành vi đọc sách diễn ra (đặt mục tiêu là xx phút hoặc xx trang) thì tự thưởng cho mình 1 phần thưởng nhỏ vì đã hoàn thành tốt mục tiêu:

  • Ly cafe thơm phức buổi sáng
  • Chiếc bánh thơm ngon

Lưu ý về phần thưởng: là phần thưởng nhỏ, mang tính chất kích thích tinh thần là chính. Tránh những phần thưởng kích thích thói quen xấu, thói quen vô hại như là lướt mạng xã hội, chơi game,... (xấu đẹp tuỳ người, đây là quan điểm của mình thôi nhé)

Tham gia hội nhóm

Tham gia 1 nhóm đọc sách cũng là 1 hình thức rất tốt để kích thích thói quen đọc sách:

  • Tham gia 1 group đọc sách + viết review
  • Tham gia nhóm đọc sách tại công ty, nơi ở

II-NHUYỄN

Nếu tạo được cơn NỨNG thường xuyên, đều đặn thì sẽ giúp hình thành được thói quen, nghiên cứu đưa ra thì trung bình cần 66 ngày liên tục thực hiện hành vi để hình thành được 1 thói quen mới ở con người. Vì vậy từ NHUYỄN ở đây là nói đến việc kỷ luật, kiên trì thực hiện hành vi để giúp hình thành thói quen mới. Nếu ko kiên trì thì sẽ xôi hỏng bỏng không.

Để kiên trì thì mình có những tip sau:

  • Chia nhỏ mục tiêu và đưa vào các công cụ quản lý mục tiêu, phù hợp nhất cũng là phương pháp OKRs mà công ty mình đang dùng, vì mỗi tuần đều có review để thúc đít ace thực hiện -> khiến cho cá nhân có được tinh thần tự giác thực hiện mục tiêu nghiêm túc
  • Xây dựng thời khoá biểu cá nhân hàng ngày, lựa chọn khung thời gian hợp lý để thực hiện hành vi

Ví dụ đối với đọc sách mình sẽ thiết lập một OKR như sau (1 OKR gồm có 1 Objective và các KR)

Lập 1 OKR như trên và thử thách trong vòng 3 tháng sẽ có kết quả :)

III-NHỒI

 Để duy trì lâu dài hơn và giúp hữu ích hơn cho công việc và cuộc sống thì kiến thức, tri thức trong sách nên được:

  1. Hấp thụ tốt
  2. Vận dụng tốt

Hấp thụ tốt

Ý là nội dung sách được người đọc lĩnh hội với mức độ càng cao càng tốt, thẩm thấu được những thông điệp muốn truyền tải của tác giả thì mới có Vận dụng tốt được.

Các level đọc sách

Trong sách Đọc sách hiệu quả có đưa ra 4 level của đọc sách

  1. Đọc sơ cấp: như cấp 1 là đọc nội dung lên, mức độ hấp thụ thấp nhất
  2. Đọc kiểm soát: đọc và khái quát, tổng hợp lại được nội dung, đã hấp thụ được 1 chiều từ sách vào thân
  3. Đọc phân tích: đọc -> khái quát, tổng hợp -> phân tích sự đúng sai, mở rộng chủ đề. Đã hấp thụ 2 chiều từ sách vào thân và nghiệm từ thân vào sách
  4. Đọc đồng chủ đề: đọc nhiều sách cùng chủ đề và tổng hợp, khái quát được nội dung của nhiều cuốn sách lại. Các tác gia thuộc level này

Để hấp thụ tốt thì chúng ta nên hướng đến level 3 - Đọc phân tích và 4 - Đọc đồng chủ đề.

Tips

Các bạn có thể tham khảo quyển ebook của Mr Dương Trọng Tấn

ĐỌC SÁCH THÔNG MINH - Hướng dẫn bỏ túi cho người bận rộn - DƯƠNG TRỌNG TẤN
Cuốn sách mỏng dạng ebook được dàn trang thân thiện với cả smartphone lẫn máy tính, đọc mất khoảng 30 phút, có thể giúp bạn cải thiện việc đọc (nhanh hơn, rộng hơn, sâu hơn, thông minh hơn một chút). Tải về Định dạng pdf Định dạng epub Trao đổi cùng bạn đọc sách Đọc [...]

Mình thì có 1 số mẹo sau chia sẻ

  • Chọn thời gian, địa điểm: với cá nhân mình là người rất dễ phân tâm nên lúc đọc sách mình cần 1 thời gian hợp lý (là sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ là thời điểm mình thấy dễ bố trí đọc sách nhất). Thứ 2 là địa điểm phải là nơi yên tĩnh, khó bị sao nhãng (ví dụ: vườn hoa, công viên, thang thoát hiểm,...)
  • Ghi ý kiến cá nhân thẳng vào trong sách -> là 1 kỹ thuật giúp nắm trọng tâm sách tốt hơn, nếu ta đưa ra được tranh luận nội dung với tác giả ở chỗ này thì chính là đạt đến cảnh giới level 3 (Đọc phân tích) rồi đó
  • Chủ động hồi tưởng: sau khi đọc sách xong thi thoảng hãy hồi tưởng về những nội dung đã đọc, chiêm nghiệm xem nội dung đó có hợp lý, hữu ích ko, có áp dụng được gì ko, có học thêm gì từ đó ko -> khá là giống với hình thức Reflection mà mình đang học trong khoá Neo Manager.

Vận dụng tốt

Sau khi hấp thụ tốt rồi thì tốt nhất là được áp dụng vào thực tế để phục vụ cho 1 mục đích nào đó (cho cá nhân, cho team, cho tổ chức,...). Có 1 mô hình học tập gọi là mô hình học tập trải nghiệm Kolb

Đây là vòng xoáy luân hồi mãi ko thôi với 4 bước sau (bắt đầu từ bước nào cũng được nhé)

  1. Kinh nghiệm cụ thể: Chu trình này thường bắt đầu với sự tham gia của cá nhân người học bằng kinh nghiệm cụ thể. Kinh nghiệm cụ thể là học tập thông qua các hoạt động, hành vi, thao tác cụ thể, trực tiếp gắn với bối cảnh thực tế, người học tham gia vào một trải nghiệm mới, kinh nghiệm có được thông qua làm, hoạt động trong hoàn cảnh cụ thể.
  2. Quan sát có tư duy: người học suy nghĩ trở lại các hoạt động và kiểm tra một cách hệ thống những kinh nghiệm đã trải qua, phát hiện những đặc điểm, ý nghĩa của nó. Từ đó cùng nhau chia sẻ, phân tích, thảo luận để thống nhất quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống. HS cần có các phân tích, đánh giá các sự kiện, các kinh nghiệm qua việc tự mình suy ngẫm về kinh nghiệm đó.
  3. Khái niệm hóa trừu tượng: học tập thông qua việc tổng hợp và phân tích những gì quan sát được, giải thích được chúng, xây dựng thành khái niệm, hay nói cách khác là khái niệm hóa trừu tượng. Đó là kết quả thu được từ sự tiếp nhận những gì vốn có của hiện thực, qua thao tác tư duy của chủ thể để có được sự nhận biết đích thực, bản chất về đối tượng.
  4. Thử nghiệm tích cực: học tập thông qua những đề xuất, thử nghiệm các phương án giải quyết vấn đề. Người học sử dụng lí thuyết để giải quyết vấn đề, ra quyết định.

Kết

Nếu bài viết hữu ích cho bạn thì mình sẽ rất vui, hy vọng các bạn sẽ rèn luyện được thói quen đọc sách và ứng dụng vào đời sống thật nhiều.