Triều Nguyễn-Lịch sử thăng trầm của một dòng họ

Triều Nguyễn-Lịch sử thăng trầm của một dòng họ

Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, đã tồn tại trong suốt 143 năm (1802-1945) với 13 đời vua Nguyễn. Thông thường vua Nguyễn sau khi mất sẽ được thờ tại Thế Miếu, trừ các vua bị phế truất và vua bị Pháp đày ra khỏi nước. Các vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vào năm 1959 đã được Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc làm lễ và đưa bài vị vào thờ tại Thế Miếu. Dưới đây là những ghi chép vắn tắt về 13 vua Nguyễn:

1.Vua Gia Long (1802-1819)

_ Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh (Anh), ngoài ra còn có tên là Chủng và Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (8-2-1762).
_ Năm 1775, lợi dụng sự suy sụp của triều đình chúa Nguyễn do cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân khiến Nguyễn Phúc Ánh phải trốn vào Nam. Từ đó ông bôn tẩu gian nan, tìm đủ mọi cách chiêu tập lực lượng để giành lại vương quyền cho họ Nguyễn.
_ Năm 1792, vua Quang Trung mất, quân Tây Sơn ngày càng yếu và quân Nguyễn ngày càng lớn mạnh. Năm 1801, quân Nguyễn do Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy đã đánh chiếm Quy Nhơn và chiếm Thuận Hóa.
_ Ngày 1-2-1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức lập nên triều đại nhà Nguyễn. Tháng 3 năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu nước ta là Việt Nam .

_ Trong triều đại này, bộ Luật Gia Long đã được ban hành. Luật Gia Long là một bộ luật hà khắc, phản ánh rõ nét chuyên chế của giai cấp thống trị, trên bước đường suy vong. Mọi tội phạm liên quan đến việc chống đối triều đình đều bị trừng trị tàn bạo. Tuy nhiên, Luật Gia Long cũng có mặt tích cực là trừng trị nặng tội tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
_ Gia Long làm vua được 18 năm (1802-1819), mất vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820), hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Gia Long được đưa vào thờ ở Thế Miếu và có Miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng đế.
Vua Gia Long có 31 người con (13 con trai và 18 con gái)

2. Vua Minh Mạng (1820-1840)

_ Vua Minh Mạng tên là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên là Kiểu, con thứ 4 của vua Gia Long và bà Nguyễn Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu). Ông sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25-5-1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định.
_ Vua Minh Mạng lên ngôi vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820), làm vua được 21 năm (1820-1840). Trong thời gian ở ngôi, nhà vua đã có nhiều cải cách quan trọng: cho bỏ các dinh và trấn mà thành lập các tỉnh (cả nước được chia làm 31 tỉnh); định lại quan chế, đặt mức lương bổng của các quan tùy theo ngạch trật; thống nhất việc đo lường và thống nhất y phục; khuyến khích dân khai hoang lập ấp, sửa sang hệ thống giao thông, lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, già cả không nơi nương tựa…
_ Đề cao Nho học và khuyến khích nhân tài ra giúp nước là một trong những việc rất được vua Minh Mạng chú trọng. Nhà vua cho lập Quốc Tử Giám, mở thêm kỳ thi Hội và thi Đình (thời Gia Long chỉ có thi Hương).
_ Lãnh thổ Việt Nam dưới thời Minh Mạng được mở rộng nhất trong lịch sử và Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh. Vì vậy vào năm 1838, vua Minh Mạng cho đổi tên nước ta là Đại Nam.
_ Vua Minh Mạng mất ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20-1-1841), hưởng thọ được 50 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Minh Mạng được đưa vào thờ ở Thế Miếu với Miếu hiệu Thánh Tổ Nhân Hoàng đế.
Vua Minh Mạng có 142 người con (74 con trai, 68 con gái)

3. Vua Thiệu Trị (1841-1847)

_ Vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng hậu), sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (16-6-1807) tại ấp Xuân Lộc, phía Đông Kinh Thành Huế.
_ Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (11-2-1841), làm vua được 7 năm (1841-1847).

_ Khi Thiệu Trị lên cầm quyền thì việc cấm đạo có nguôi đi ít nhiều. Một số giáo sĩ bị bắt giam từ trước tại Huế, bị kết án tử hình nay được tự do nhờ sự can thiệp của hải quân Pháp. Năm Đinh Mùi (1847) Pháp sai một đại tá, một trung tá và cho tự do tín ngưỡng. Đang trên bàn thương lượng thì Pháp dùng đại bác bắn đắm tàu thuyền của Việt Nam neo đỗ bên cạnh rồi chạy ra bể. Trước sự kiện đó, Thiệu Trị vô cùng tức giận, ban thêm sắc dụ cấm người ngoại quốc giảng đạo và trị tội người trong nước đi dạo.

_ Sau đó, tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), Thiệu Trị bị bệnh rồi mất, ở ngôi được 7 năm, thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiếu tổ chương hoàng đế.Vua Thiệu Trị có 64 người con (29 trai, 35 gái).

4. Vua Tự Đức (1848-1883)

_ Vua Tự Đức có tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên là Thì. Ông là con thứ 2 của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng (Hoàng hậu Từ Dũ), sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (22-9-1829).

_ Vua Tự Đức thiếu tính quyết đoán, thường dựa vào triều thần, bàn việc triều thần thì rất bảo thủ, do đó khi trên thế giới, khoa học và công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, các cường quốc đang cạnh tranh buôn bán ngày càng gay gắt, thì vua tôi chỉ lo việc nghiên bút, bàn đến Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu xa xưa làm tấm gương, nên Tự Đức "bế quan toả cảng" cấm buôn bán gay gắt.

_ Nhiều người có con mắt nhìn xa thấy rộng như Phạm Phú Thứ (1864), Nguyễn Trường Tộ (1866), Đinh Vǎn Điền (1868), Nguyễn Hiệp (1867), Lê Đĩnh (1881)... dâng sớ điều trần xin nhà vua cải cách chính trị, kinh tế, quân sự... theo gương Nhật Bản, Thái Lan, Hương Cảng... và các nước phương Tây thì phái bảo thủ trong triều đình cho là nói nhảm, nên Tự Đức cũng không chấp thuận. Do triều đình Huế ươn hèn như vậy nên phải ký hoà ước Quý Mùi (1883), rồi hoà ước Pa-tơ-nốt (1885), đất nước ta bị chia làm 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) chịu sự bảo hộ của đế quốc Pháp
_ Vua Tự Đức lên ngôi tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), làm vua được 36 năm (1847-1883), mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (19-7-1883), hưởng thọ 55 tuổi. Sau khi mất, bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu Dực Tông Anh Hoàng đế.
_ Vua Tự Đức không con, ông nhận 3 người cháu gọi bằng chú làm con nuôi là: Nguyễn Phúc Ưng Chân (sau này là vua Dục Đức); Nguyễn Phúc Ưng Đường (sau này là vua Đồng Khánh); Nguyễn Phúc Ưng Đăng (sau này là vua Kiến Phúc).

5. Vua Dục Đức (1883-3 ngày)

Vua Dục Đức tên là Nguyễn Phúc Ưng Ái, là con thứ 2 của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm Quý Sửu (11-2-1853). Năm 1869, lúc 17 tuổi được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và đổi tên là Ưng Chân, cho xây Dục Đức Đường để ở và giao cho Hoàng Quý Phi Vũ Thị Duyên (sau này là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) trông coi, dạy bảo.
Vua Tự Đức mất để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: “… Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây.”
Lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã cho đọc lướt đoạn này nên 3 ngày sau hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã phế bỏ Dục Đức theo lệnh của Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức).
Làm vua được 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu (Dục Đức chỉ là tên gọi nơi ở) thì Ưng Chân đã bị phế bỏ và giam vào ngục. Dục Đức bị tống giam tại một phòng kín vừa được cấp tốc xây lên ngay trong biệt điện mình. Dục Đức bị đối xử như một tù nhân thường. Nhờ người lính gác thương tình chủ cũ, hàng ngày đút cho một nắm cơm và một chiếc áo cũ thấm nước, vắt ra uống, Dục Đức sống thoi thóp được gần một tháng thì chết, xác vùi trên một quả đồi, không quan tài và không ai được đi đưa tang.Ông mất ngày 6 tháng 9 năm Giáp Thân (24-10-1884), thọ 32 tuổi.
_ Đến thời vua Thành Thái (con vua Dục Đức) vào năm 1892 đã truy tôn cha mình là Cung Tôn Huệ Hoàng đế.
Vua Dục Đức có 19 con (11 con trai và 8 con gái)

6. Vua Hiệp Hòa (1883-4 tháng)

_Vua Hiệp Hòa tên là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Thăng, con thứ 29 của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận, sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh Mùi (1-1-1847).
Vua Dục Đức bị phế bỏ, Hồng Dật được đưa lên ngai vàng vào ngày 30 tháng 7 năm 1883, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

_ Hiệp Hòa lên nối ngôi, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cậy công tôn lập nên thâu tóm mọi quyền hành, không thèm đếm xỉa gì đến vua. Hiệp Hòa ghét lắm, muốn tước bớt quyền lực của họ. Vua đã kiên quyết điều Tôn Thất Thuyết từ bộ Binh sang bộ Lại. Làm vua được bốn tháng thì Hiệp Hòa nhận được mật sớ của hai người thân tín là Hồng Phi (Tham tri bộ Lại, con trai Tùng Thiện Vương) xin giết hai quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.

_ Hiệp Hòa phê vào sớ: “Giao cho Trần Khanh (Trần Tiến Thành) phụng duyệt”, bỏ sớ vào tráp giao thái giám Trần Đại đem đến nhà Trần Tiến Thành ở chợ Dinh Ông. Việc bại lộ, Tôn Thất Thuyết cùng với Nguyễn Văn Tường bàn cách phế truất Hiệp Hòa. Họ cho mời các đại thần đến họp kể tội Hiệp Hòa và Trần Tiến Thành, Hồng Phi và Hồng Sâm có âm mưu dựa vào quân Pháp giết hại hai đại thần phụ chính, với chứng cứ hẳn hoi (tờ mật sớ): Sau ép các quan ký vào tờ sớ đòi phế truất Hiệp Hòa xong, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vào cung Diên Thọ xin ý chỉ của Hoàng thái hậu đồng thời cho người dẫn 50 lính vào điện Càn Thành bắt Hiệp Hòa phải tự xử mình theo lệ “Tam ban triều điển” dành cho các đế vương, khanh tướng phạm tội tử hình.

_ Đang đêm khuya nhà vua mới biết có sự biến, hỏi đến trực hầu, thì chỉ có một vài thái giám. Vua sai thái giám Trần Đạt đem chiếu nhường ngôi tới và xin được trở về phủ cũ. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường giả vờ nhận lời, cho người đem võng đưa vua và cung phi về phủ cũ ở xã Phú Xuân xong lại bí mật dặn riêng Ông ích Khiêm và Trương Văn Đễ đón ở cửa Hiểu Nhân, chặn đường đưa vua đến nhà Hộ Thành, ép uống thuốc độc tự vẫn.

_ Riêng Trần Tiến Thành, cáo ốm nằm ở nhà cũng bị lính đến giết chết ngay đêm ấy. Đó là một ngày mùa Đông (29.11.1883). Hiệp Hòa làm vua được 4 tháng, chết 36 tuổi, giao cho phủ Tôn nhân chôn cất theo nghi thức Quốc công.
_ Dưới thời Thành Thái vào năm 1891, ông được truy phong là Văn Lãng Quận vương. Vua Hiệp Hòa có 17 người con (11 trai, 6 gái).

7. Vua Kiến Phúc (12/1883 - 8/1884)

_ Kiến Phúc tên là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con thứ 3 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Ưng Đăng sinh ngày 2 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (12-2-1869). Năm 1870 lúc được 2 tuổi, Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Học Phi Nguyễn Thị Hương trông coi, dạy bảo.
Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào ngày 2-12-1883, Ưng Đăng (15 tuổi) được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc.

_ Từ ngày Kiến Phúc lên ngôi thế lực bà Học Phi ngày càng lớn. Nguyễn Văn Tường đã nhận ra điều này và hết sức tranh thủ cảm tình của bà. Dịp may đã đến với Nguyễn Văn tường khi nhà vua bị bệnh đậu mùa. Bà Học Phi ngày nào cũng ở cạnh vua còn bé bỏng của mình từ mờ sáng đến nửa đêm. Thế là phụ chính Nguyễn Văn Tường tối nào cũng vào chầu Hoàng đế và Hoàng mẫu, có khi đến nửa đêm mới về. Trước thái độ quá ân cần và có chiều lả lơi của Nguyễn Văn Tường với bà mẹ nuôi, Kiến Phúc đã tỏ thái độ hết sức khó chịu. Có lần thiu thiu ngủ, nghe được câu chuyện giữa hai người, vua liền quát: “Khi nào lành bệnh rồi tao sẽ chặt đầu cả ba họ nhà mi”. Tường nghe được bèn xuống thái y viện lấy thuốc pha chế đưa cho Học Phi. Theo lời khuyên của dưỡng mẫu Kiến Phúc đã uống thuốc đó tới sáng hôm sau thì qua đời.

_ Ngay chiều hôm đó, tại buổi thiết triều bất thường, Nguyễn Văn Tường tuyên cáo Kiến Phúc đã băng hà vì bệnh tình biến chuyển đột ngột và đưa em ruột là Ưng Lịch lên nối ngôi.

_ Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì mất, mới 16 tuổi

8. Vua Hàm Nghi (1884-1885)

_ Vua Hàm Nghi tên là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Minh. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (3-8-1871).

_ Sau khi vua Kiến Phúc mất, ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (2-8-1884) Ưng Lịch được đưa lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi lúc mới 14 tuổi.

_ Binh biến năm Ất Dậu (5-7-1885) xảy ra, vua Hàm Nghi cùng quần thần ra Tân Sở, phát hịch Cần Vương, phát động phong trào kháng Pháp trên toàn quốc. Quân Pháp nhiều lần kêu gọi nhà vua quay về nhưng thất bại. Ngày 30 tháng 10 năm 1888, tên Trương Quang Ngọc (người hầu của vua) bị Pháp mua chuộc nên đem người bắt vua Hàm Nghi dâng cho Pháp.

_ Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt đi đày ở Algérie vào ngày 13 tháng 1 năm 1889. Nhà vua sống ở đó cho đến lúc mất (4-1-1943), thọ 72 tuổi.
Vua Hàm Nghi có 3 người con (1 trai, 2 gái).

9. Vua Đồng Khánh (1886-1888)

_ Vua Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19-2-1864). Năm 1865 lúc được 2 tuổi, Ưng Thị được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo.

_Sau binh biến năm 1885, vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng ra Tân Sở, triều đình Huế thương lượng với Pháp đưa Ưng Đường lên ngôi, đặt niên hiệu là Đồng Khánh.

_ Ở ngôi được 3 năm, vua Đồng Khánh bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tí (28-1-1889) lúc được 25 tuổi.
Sau khi mất, bài vị vua Đồng Khánh được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Hoàng đế.
Vua Đồng Khánh có 10 người con (6 trai, 4 gái).

10. Vua Thành Thái (1889-1907)

_ Vua Thành Thái tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Chiêu, con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu), sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão (14-3-1879).

_ Vua Đồng Khánh mất, triều đình Huế được sự đồng ý của Pháp đã đưa Bửu Lân lên ngôi vào ngày 1 tháng 2 năm 1889 với niên hiệu là Thành Thái, lúc mới 10 tuổi.

_ Vua Thành Thái là người có tư tưởng tiến bộ (cắt tóc ngắn, lái ô tô, xuồng máy) và có tư tưởng chống Pháp. Khâm sứ Pháp lo ngại một điều là Thành Thái rất gần dân, thương dân và hay vi hành. Có một lần Thành Thái đi chơi bộ trên cầu Gia Hội, sắp gặp một người vác tre. Quân lính vội chạy lên trước, dẹp đường, Vua bảo: "Cứ để cho người ta đi! Mình dân không phải là dân, vua không phải là vua, tại sao dẹp người ta ?"

_ Nhiều chuyến săn bắn ở Cổ Bỉ (cách Huế khoảng 30km) vua thường ghé vào chơi các làng dọc sông Bồ. Vào làng, vua cho trải chiếu ngồi giữa đất, dân làng bu lại xem. Nếu lính đuổi, vua không cho và hỏi dân muốn gì? Dân bảo muốn xem bắn, vua liền giương súng bắn cho họ xem.

_ Khâm sứ Pháp và quần thần Nam triều xu nịnh rất muốn truất ngôi của Thành Thái để thay bằng một vua bù nhìn khác. Họ phao tin, nhà vua bị điên để hạ uy thế. Khâm sứ Lê-véc-cơ rất tức tối sau nhiều lần nhà vua không làm theo ý hắn. Ngày 29/7/1907, Lê-véc-cơ nói thẳng với vua: Nhà vua không thành thật công tác với chính phủ bảo hộ thì nay mọi việc đều do Hội đồng thượng thư tự quyết đoán. Nhà vua đã hết quyền hành và không được ra khỏi nơi Đại Nội dành riêng cho vua.

_ Ngày 3/9/1907, triều thần được lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị với lý do sức khỏe không đảm bảo, xin tự nguyện rút lui. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái nhếch mép cười, khi ghi ngay hai chữ “phê chuẩn”, quay lưng đi vào.

_  Vì vậy, sau 19 năm ở ngôi, dưới áp lực của Pháp, ông bị Pháp đưa đi an trí ở Vũng Tàu. Năm 1916, ông bị Pháp đem đi đày ở đảo Réunion (Châu Phi).

_ Năm 1947, ông được trở về sống ở Sài Gòn cho đến khi mất. Ông mất ngày 9 tháng 3 năm 1955, thọ 77 tuổi. Vua Thành Thái có 45 người con (19 trai, 26 gái).

11. Vua Duy Tân (1907-1916)

_ Vua Duy Tân tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San, còn có tên là Hoảng, con thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định, sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý (19-9-1900).
_ Năm 1907, vua Thành Thái thoái vị, triều đình Huế đưa Hoàng tử Vĩnh San lên ngôi, lấy niên hiệu là Duy Tân lúc mới được 8 tuổi.
_ Vua Duy Tân là vị vua lên ngôi nhỏ tuổi nhất trong 13 vua Nguyễn. Tuy nhiên nhà vua lại là người chững chạc, có khí phách của một bậc đế vương. Cũng như cha mình, vua Duy Tân là người có tư tưởng chống Pháp. Nhà vua đã cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân… vạch định cuộc nổi dậy chống Pháp vào ngày 3 tháng 5 năm 1916. Nhưng âm mưu bại lộ, nhà vua cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân trốn ra khỏi Kinh Thành. 3 ngày sau, vua Duy Tân bị Pháp bắt và bị kết tội rồi đày sang đảo Réunion.
_ Nhà vua mất ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (25-12-1945) trong một tai nạn máy bay khi được 46 tuổi. Nhà vua được an táng tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo M’Baiki, thuộc Cộng Hòa Trung Phi. Ngày 6 tháng 4 năm 1987, nhà vua được cải táng trong khuôn viên của An Lăng (Lăng Dục Đức).
Vua Duy Tân có 5 người con (3 trai, 2 gái)

12. Vua Khải Định (1916-1925)

_ Vua Khải Định tên là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Tuấn, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Dương Thị Thục (Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu), sinh ngày 1 tháng 9 năm Ất Dậu (8-10-1885).
_ Vua Đồng Khánh mất, Hoàng tử Bửu Đảo còn ít tuổi (4 tuổi) nên không được chọn làm vua. Đến năm 1916, sau khi vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đày ở Réunion, triều đình Huế và người Pháp mới lập Bửu Đảo lên ngôi vua vào ngày 18-5-1916, lấy niên hiệu là Khải Định.
_ Vua Khải Định ở ngôi được 10 năm thì bị bệnh nặng và mất vào ngày 20 tháng 9 năm Ất Sửu (6-11-1925), thọ 41 tuổi. Sau khi chết, bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế.
_ Vua Khải Định chỉ có một con trai là Hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại)

13. Vua Bảo Đại (1926-1945)

_ Vua Bảo Đại tên là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, ngoài ra còn có tên là Thiển. Ông là con độc nhất của vua Khải Định và bà Hoàng Thị Cúc (bà Từ Cung), sinh ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu (22-10-1913).
_ Hoàng tử Vĩnh Thụy được đưa sang Pháp học lúc mới 10 tuổi, đến khi vua Khải Định qua đời, ông về Huế lên ngôi vua vào ngày 8 tháng 1 năm 1926, lấy niên hiệu Bảo Đại, đây là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Sau đó, ông lại tiếp tục sang Pháp học cho đến 8-9-1932 mới trở về Huế.
_ Cách mạng tháng Tám thành công, Vua Bảo Đại ở ngôi cho đến 30 tháng 8 năm 1945 thì làm lễ thoái vị tại Ngọ Môn, giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Bảo Đại quyết định thoái vị và trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ“.

_ Tháng 9/1945, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. Đến ngày 6/1/1946, ông  được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

_ Ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về mà viết thư về nước xin từ chức. Sau thời gian dài lưu vong ở Hồng Kông rồi Pháp, Bảo Đại về nước vào tháng 3/1949 để 4 tháng sau đó lên làm Quốc trưởng Chính phủ Lâm thời Quốc gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên.

_ Bảo Đại làm Quốc trưởng đến tháng 10/1955 thì bị Ngô Đình Diệm phế truất. Ông sau đó sang Pháp sống lưu vong tại Paris cho đến cuối đời

_ Ông mất ngày 1 tháng 8 năm 1997 tại Pháp. Vua Bảo Đại có 5 người con (6 trai, 7 gái và 1 người con do Từ Cung Hoàng Thái Hậu nuôi từ nhỏ, nhưng không rõ là con bà nào do ông không tiết lộ.).

Nguồn:
1. https://quangthai.thuathienhue.gov.vn/?gd=4&cn=97&tc=2629

2. https://dulichhue.com.vn/13-trieu-dai-nha-nguyen/

3. https://dulichkhampha24.com/trieu-dai-nha-nguyen.html

4. https://nguoikesu.com/dong-lich-su/nha-nguyen/tu-duc-nguyen-phuc-hong-nham

5. https://www.elle.vn/the-gioi-van-hoa/cuoc-doi-va-tinh-su-vua-bao-dai