NGUỒN CUNG DẦU Ở VIỆT NAM

NGUỒN CUNG DẦU Ở VIỆT NAM

Tiếp nối bài viết về Cung dầu trên thế giới, chúng ta đi tìm hiểu ở Việt Nam nguồn cung dầu  như thế nào?

Kể từ khi tấn dầu đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ (thuộc bể trầm tích Cửu Long năm 1986) đến nay Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang quản lý điều hành khai thác dầu khí từ các mỏ, cụm mỏ ở trong và ngoài nước, bao gồm:

  • Các mỏ  Hàm Rồng, Thái Bình ở bể trầm tích Sông Hồng
  • Các mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Thỏ Trắng, Gấu Trắng, Phương Đông, Rạng Đông, Cụm mỏ Sư Tử Đen - Sư Tử Vàng - Sư Tử Trắng - Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Thăng Long - Đông Đô,… ở bể trầm tích Cửu Long
  • Các mỏ: Đại Hùng, Chim Sáo, Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây, Lan Tây - Lan Đỏ, Hải Thạch - Mộc Tinh… ở bể trầm tích Nam Côn Sơn
  • Lô PM3-CAA và 46-Cái Nước, Sông Đốc… ở bể Malay - Thổ Chu
  • Các mỏ ở nước ngoài: mỏ Bir Seba ở Algeria, cụm mỏ Nhenhetxky ở Liên bang Nga, mỏ D30-Lô SK305 ngoài khơi Malaysia.

Đặc thù của khai thác dầu khí ở  Việt Nam là:

  • 60% dầu và khí phân bố hầu hết ở khu vực ngoài khơi, vùng nước sâu, xa bờ.  40% tiềm năng dầu khí còn lại thuộc khu vực truyền thống, nước nông, quy mô nhỏ, cấu trúc địa chất phức tạp, một số khu vực có áp suất/nhiệt độ cao; bẫy chứa dạng địa tầng...
  • Khí chiếm tỷ trọng cao hơn dầu (dầu khoảng 35-40% và khí khoảng 60-65%);
  • Dầu tồn tại và được chủ yếu phát hiện trong đá móng nứt nẻ, Mioxen ở bể Cửu Long. Một số phát hiện khí lớn có hàm lượng CO2 và H2S cao
  • Hoạt động đầu tư thăm dò khai thác ở Việt Nam chủ yếu do các công ty dầu nước ngoài thực hiện (tỷ lệ 70/30); phần thu ngân sách Nhà nước rất lớn (50-60% doanh thu dầu khí với hàng trăm tỷ USD).

Theo số liệu PVN công bố thì sản lượng dầu và khí trong những năm gần đây càng ngày càng sụt giảm. Phần giảm là do khai thác dầu khô trong nước giảm mạnh.

‌ Sản lượng dầu khai thác trong nước một phần được cung cấp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...  Những năm gần đây, xuất khẩu dầu thô ngày càng giảm và nhập khẩu dầu thô (từ các nước như Mỹ, Nigeria, Kuwait…) tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Trong năm 2021 sản lượng dầu thô trong nước chỉ còn 9.1 triệu tấn trong khi riêng liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất đã lên tới 10 triệu tấn dầu thô/năm, còn lọc dầu Dung Quất công suất ở mức tối đa 6,5 triệu tấn dầu thô/năm cho thấy nhu cầu dầu thô trong nước của 02 nhà máy đã cao gần gấp đôi sản lượng khai thác trong nước.

Việc tìm kiếm, thăm dò các mỏ dầu mới gặp nhiều khó khăn do:

  • Khai thác dầu khí chịu rủi ro cao, trung bình 1/10- 1/8 giếng khoan thăm dò thành công và có 1/5 đến 1/4 dự án thăm dò thành công. Nhiều chỗ có tiềm năng hạn chế hoặc thuộc vùng nước sâu xa bờ, cấu trúc địa chất phức tạp
  • Nguồn vốn lớn, phụ thuộc nhiều vào cung cầu của thị trường
  • Đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ, kinh nghiệm của chuyên gia..
  • Tiềm ẩn rủi ro chính trị, xung đột sắc tộc...
  • Xu thế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch dẫn đến thu hút đầu tư vào năng lượng hóa thạch kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước.
  • Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến dầu khí chưa sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Luật Dầu khí và các điều khoản của Hợp đồng dầu khí hiện hành (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ) kém hấp dẫn so với các nước khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại, không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2021, không ký được hợp đồng dầu khí mới.

Trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 1,5 tỷ m3, đứng thứ 26 thế giới, nhưng sản lượng khai thác hiện chỉ đứng thứ 34. Năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 3,1 triệu tấn dầu thô, với giá trị xuất khẩu là trên 1,76 tỷ USD.  Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 9,9 triệu tấn dầu thô với giá trị nhập khẩu là trên 5,15 tỷ USD.

Như vậy, Việt Nam tốc độ hiện thực hoá tiềm năng dầu khí chưa cao, nhập khẩu dầu thô lớn hơn nhiều so với lượng dầu thô xuất khẩu.  Vì sao vừa phải xuất khẩu vừa phải nhập khẩu dầu thô?

  • Dầu thô trên thế giới có nhiều loại khác nhau và có sự khác biệt về tính chất, có loại sản xuất ra nhiều xăng,, có loại sản xuất được dầu nhờn có loại thì không, có loại sản xuất được nhựa đường có loại không... Mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế chỉ chế biến một loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào cũng đưa vào sản xuất được và không phải loại dầu thô nào sản xuất cũng có hiệu quả tối ưu. Thiết bị quan trọng của nhà máy lọc dầu là tháp chưng cất. Tháp này được thiết kế theo đúng tính chất của nguyên liệu. Nếu đưa nguyên liệu khác vào thì tháp không hoạt động hoặc hoạt động với hiệu suất thấp => có loại dầu thô Việt Nam sản xuất ra không phù hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất nên buộc phải xuất khẩu đi thu tiền về, và mua loại dầu thô phù hợp về để chế biến
  • Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất thiết kế ban đầu là để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít và một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho lọc dầu Dung Quất. Kết quả từ phòng thí nghiệm của PVN cho thấy sản phẩm dầu thô của Bạch Hổ có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, được thị trường nước ngoài ưa chuộng, có thể bán với giá cao. Đồng thời cũng kết quả thí nghiệm cho thấy chúng ta có thể pha 20% dầu thô nhập từ nước ngoài với giá thấp mà vẫn cho ra sản phẩm tốt.  Cho nên Việt Nam phải bán các loại dầu đó đi để nhập về những loại dầu thô phù hợp với thiết kế của nhà máy này.

Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ 2 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (thuộc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn) và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn-BSR), đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, trong đó tỷ trọng cung ứng của Nghi Sơn khoảng 35%, có thời điểm lên tới 40%. Ngoài ra còn một số nhà máy khí ngưng tụ (condensate) như PVOil Phú Mỹ, Đông Phương, Sài Gòn Petro... có công suất sản xuất trên 600.000 m3, tấn một năm.

Với giá dầu thế giới càng ngày càng tăng trong khi khai thác dầu thô của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu, PVD đang xem để điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng khi chúng ta khoan được dầu thì phục vụ cho sản xuất, chứ không xuất khẩu.

Hiệu quả hoạt động của các nhà máy lọc dầu

1.Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Do nguồn cung dầu thô từ mỏ Bạch Hổ càng ngày càng cạn kiệt & nhu cầu cần tìm thêm nguồn cung dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, tránh phụ thuộc 100% vào nhập khẩu như những năm 2000, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được xây dựng.

  • Địa chỉ: Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa
  • Ngày thành lập: tháng 04/2008
  • Công suất  giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm
  • Vốn đầu tư 9 tỷ USD. Vốn PVN 25.1%, còn lại là của các đối tác nước ngoài như Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI của Kuwait (35,1%), Công ty Idemitsu (35,1%) và Công ty Hóa chất Mitsui của Nhật (4,7%)
  • Nguyên liệu sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến -  hỗn hợp dầu Kuwait, có tỷ trọng API khoảng 31 và hàm lượng lưu huỳnh 2,52 - tức là dầu chua nặng trung bình.
  • Nhà máy được hưởng một loạt ưu đãi về thuế, bao tiêu sản phẩm. Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng 10% trong 70 năm; miễn thuế 4 năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
  • Toàn bộ sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn sẽ được PVN bao tiêu trong 15 năm (FPOA) , với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hoá dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Theo lộ trình cam kết, từ năm 2017 đến năm 2022, mức thuế suất Thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm xăng sẽ giữ ở mức 20%, vẫn cao hơn so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn 7% nên PVN không phải bù thu. Nhưng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 lại cam kết thuế nhập khẩu dầu diesel còn 5%, các sản phẩm hóa dầu khác còn 0-5%. Trong khi đó, FTA ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2009 lại cam kết thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu còn 0%.

=> Về lý thuyết dầu nhập từ Hàn Quốc sẽ rẻ hơn của các nhà máy trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất. Mức thuế ưu đãi đặc biệt đó lại thấp hơn mức thuế nhập khẩu cam kết với lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù thuế cho nhà máy này để giá bán của các nhà máy này cạnh tranh được với giá xăng dầu nhập khẩu.                                      

Thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong các cam kết quốc tế

Nhưng sau 3 năm vận hành tình hình kinh doanh của nhà máy không mấy khả quan.

  • Nhà máy này lỗ luỹ kế 3,3 tỷ USD từ năm 2018 đến nay (khoảng hơn 76.000 tỷ đồng, với tỷ giá 23.178 đồng một USD) và khoản nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỷ USD (gần 65.000 tỷ đồng)
  • Do khó khăn tài chính nhà máy đã phải giảm công suất xuống 80% từ cuối tháng 1/2022 và không còn tiền nhập dầu thô về sản xuất dẫn đến tháng 2 chỉ giao được 43% kế hoạch.  Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/02/2022. PVN phải phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA để đảm bảo nhà máy hoạt động đến hết quý 2/2022

Lý do nhà máy kinh doanh thua lỗ do:

  • Chi phí tài chính tốn (vốn vay đắt). Chi phí tài chính tính đến cuối năm 2020 gấp 57,7 lần doanh thu hoạt động tài chính, cao hơn con số 41,7 lần của năm 2019. Đáng chú ý, chi phí lãi vay luôn chiếm 85,7% – 89% tổng chi phí tài chính của doanh nghiệp.
  • Giá dầu thô đầu vào đắt bởi nhà đầu tư liên danh cấp đầu vào (theo bản cam kết của Chính phủ, Kuwait Petroleum Corporation - một liên danh, sẽ bán dầu thô cho Nghi Sơn để dùng cho dự án NSRP - PV). Như vậy, khác với Dung Quất, Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn nhập dầu thô từ Trung Đông. Góp phần "biến" Việt Nam đã trở thành nước nhập dầu thô kể từ năm 2018.
  • Chi phí nhân sự lớn khi chi trả lương cho các chuyên gia nước ngoài rất cao (giám đốc nhà máy khoảng 1 triệu USD/năm)
  • Chi phí vận hành, bảo dưỡng thiết bị máy móc cao (ngưỡng 900 tỷ đồng mỗi năm)
  • Sự quản lý lỏng lẻo khi có nhiều liên danh, nhiều nước. PVN cho rằng khó khăn này do công tác quản lý điều hành có nhiều bất cập trong khi PVN chỉ sở hữu 25.1% nên không có quyền điều hành quản trị nhà máy này.

2.Nhà máy lọc dầu Dung Quất

  • Địa chỉ: xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày từ ban đầu việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy Dung Quất cũng vướng nhiều tranh cãi. Các tổ chức WB, IMF, Liên Hiệp Quốc.. đều nghi ngờ giá trị của dự án mang lại. Năm 1995, tập đoàn Total SA của Pháp đã chấm dứt thương lượng đầu tư với lý do rằng chính phủ đòi phải đặt nhà máy tại miền trung, cách xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong nước, trong khi thị trường tiêu thụ chính là thị trường phía bắc và phía nam , miền trung không phải là địa điểm tốt để sản xuất và tiêu thụ.

Nhưng với quan điểm của chính phủ chọn Quảng Ngãi để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả một khu vực miền Trung. Điều kiện để phát triển kinh tế của miền Trung lại rất hạn chế: tài nguyên thiên nhiên hầu như không có, đất đai nghèo nàn chật hẹp, cả tỉnh Quảng Ngãi không có khu du lịch, không có nhà máy lớn. Nếu chỉ tính riêng nhà máy thì đặt ở Dung Quất là không có lợi thế so với các địa phương khác, nhưng nếu tính hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội lan tỏa đến cả một vùng thì đặt ở Dung Quất là có lợi nhất: đó là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử...

  • Ngày thành lập: 09/05/2008. Bắt đầu từ 30/5/2010, Dung Quất chính thức chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại
  • Vốn đầu tư: hơn 3 tỷ đô la Mỹ (khoảng 40.000 tỷ đồng) - 100% vốn của PVN
  • Công suất : 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày.
  • Nguyên liệu:  Giai đoạn 1: Chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ - Việt Nam (hoặc dầu thô tương đương). Giai đoạn 2: Chế biến dầu chua.
  • Nhà máy được hưởng một loạt ưu đãi về thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong vòng 30 năm, trong đó miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Tháng 11/2009, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép Lọc hóa dầu Bình Sơn được giữ lại số tiền tương đương 3% thuế nhập khẩu mỗi năm đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với các sản phẩm xăng dầu. Dung Quất sẽ không được cấp bù trong trường hợp thuế suất nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi.

Trong 03 năm đầu đi vào hoạt động nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ lỗ 4.129 tỷ đồng trong khi Nghi Sơn lỗ tới 61.200 tỷ. So sánh này chỉ mang tính tương đối bởi bối cảnh đi vào hoạt động khác nhau, tổng quy mô vốn đầu tư và trích khấu hao khác nhau, giá dầu mỗi giai đoạn mỗi khác... Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh cùng giai đoạn từ 2018-2020, Bình Sơn cũng có lãi 3.572 tỷ đồng. Năm 2020 khi giá dầu lao về mức âm sau đó hồi trở lại, Bình Sơn ghi nhận mức lỗ 2.858 tỷ đồng thua xa so với mức lỗ 28.147 tỷ đồng của Nghi Sơn.

Hiện tại PVN &  BSR đang có dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 171.000 thùng dầu thô một ngày (tương đương 7,6 triệu tấn một năm) - công suất hiện tại của nhà máy là 6,5 triệu tấn. Dầu thô thiết kế là Azeri BTC 53% + ESPO 47%. Tỷ lệ dầu thô sẽ được tối ưu, tinh chỉnh khi điều chỉnh hoặc cập nhật thiết kế FEED, thiết kế chi tiết trong EPC. Tính ưu việt của dự án là có thể nâng rổ dầu thô cung cấp cho nhà máy lên 14 loại (2 loại dầu thô trong nước và 12 loại dầu thô nước ngoài). Sau khi hoàn thành, nhà máy có thể vận hành dầu thô hỗn hợp có hàm lượng lưu huỳnh trong khoảng 0,12% đến 0,34% khối lượng - đây là cơ hội để BSR tiếp cận hàng chục loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao, với giá tối ưu, sản lượng tốt trên khắp thế giới. Dự kiến năm bắt đầu triển khai dự án là 2022, dự án hoàn thành cuối 2025 và vận hành thương mại vào đầu 2026.

Hiện nay Chính phủ cũng đã làm việc trực tiếp với PVN là khẩn trương triển khai xây dựng một nhà máy lọc dầu (thứ 3) tại Vũng Tàu  để  chủ động được nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên việc này cũng đang có nhiều bất cập:

  • Thời gian xây dựng nhà máy lọc dầu rất lâu ( nhà máy Dung Quất theo hợp đồng EPC thì 48 tháng nhưng tính trọn từ khi đi đền bù, giải phóng mặt bằng đến khi vận hành thì mất 12 năm trong đó gần một nửa thời gian là đi tìm nhà đầu tư, tìm vốn, nhà máy thứ 2 - Nghi Sơn cũng mất gần 10 năm, tính từ khi đàm phán với đối tác)
  • Nguồn dầu để lọc . Thời gian xây dựng cũng kéo dài, có khi tới lúc hoàn thành thì lượng dầu thô trong nước đã không còn để khai thác. Khi đó, lại tiếp tục phải nhập dầu thô về để sản xuất mà Nhà máy Dung Quất là một điển hình
  • Khai thác dầu thô ngày càng giảm
  • Việc dịch chuyển nguồn năng lượng trên thế giới

Do vậy việc có nên xây dựng nhà máy lọc dầu mới hay không đang được nhà nước xem xét.

Giá xăng Việt Nam ở đâu so với thế giới?                      

Với mức giá xăng 29.820 đồng , tương đương 1,297 USD, mỗi lít xăng chiếm khoảng 12,7% thu nhập bình quân một ngày người Việt. Ở các nước khác, như Lào, giá xăng chiếm khoảng 19,9% thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân; Singapore gần 1,3%; Thái Lan 7,5%; Campuchia 24,4%; Indonesia 7,5%; Phillipines là 13,4%...

Ở Việt Nam, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải cõng hơn 40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 l là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Giá xăng dầu tăng đang đẩy tình hình lạm phát tăng cao.

Để kiềm chế giá xăng nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều mở kho dự trữ để kiểm soát lạm phát.  Đặc biệt Mỹ đã mở kho đến 02 lần.  Mỹ có thể sử dụng biện pháp này do họ chủ động 100% nguồn nguyên liệu xăng dầu trong nước trong khi đó Việt Nam hiện mới chỉ đảm bảo 70 - 75% nguồn cung trong nước,  lượng dự trữ xăng dầu rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 5 - 7 ngày.

Việt Nam cần có chiến lược dự trữ xăng dầu cho phù hợp và xây dựng cơ chế giá của hội sản xuất xăng dầu trong nước để tạo ra mặt bằng giá khác cho xăng dầu, từ đó tạo ra khả năng điều chỉnh giá bán lẻ cuối cùng.

Nguồn tài liệu:

https://vnexpress.net/viet-nam-dang-khai-thac-tieu-thu-xang-dau-ra-sao-4462783.html

và một số trang web